Dai Ha Thinh Google
Danh mục sản phẩm
18/01/2011
Ngành bông khó phát triển nguyên liệu.
Trước tình trạng diện tích trồng bông bị thu hẹp nghiêm trọng và nhu cầu sử dụng bông cho ngành may mặc ngày càng tăng, theo đề nghị của Bộ Công thương, năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển cây bông vải đến năm 2015, định hướng năm 2020.
Theo đó, đến năm 2015, ngành bông phấn đấu đạt diện tích 30.000 ha, sản lượng bông xơ đạt 20.000 tấn và đến năm 2020 sẽ tăng lên 76.000 ha, đạt sản lượng bông xơ 60.000 tấn. Tổng vốn đầu tư phát triển cây bông giai đoạn này dự kiến lên tới 9.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Bình, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bông Việt Nam, nếu không có giải pháp tổng thể và quyết liệt để triển khai sớm các dự án, đẩy nhanh việc thu xếp vốn đầu tư, thì rất khó về đích với mục tiêu đề ra.

Sau thời điểm phát triển rầm rộ vào niên vụ 2002-2003, ngành bông Việt Nam bắt đầu thời kỳ tụt dốc. Đến niên vụ 2008-2009, diện tích bông vải nước ta chỉ còn 3.000 ha. Niên vụ 2009-2010, diện tích trồng bông có dấu hiệu phục hồi trở lại, đạt khoảng 8.000 ha, do có chính sách hỗ trợ giống bông cho các hộ nông dân trồng bông, giá thu mua bông hạt của Công ty Bông đã tăng hơn các năm trước, hiện ở mức 9.000 đồng/kg.

Do thu nhập từ cây bông mang lại quá thấp, nên nông dân đã chuyển sang trồng những cây khác cho thu nhập tốt hơn, như ngũ cốc, đậu, mía, cao su... Chưa kể, tình trạng được mùa mất giá và không được mùa lại có giá cũng làm nản lòng người trồng bông.

Vẫn theo ông Bình, việc lôi kéo người dân trồng bông sau không ít thăng trầm của ngành bông đã khó, nhưng còn một trở ngại khác nữa là thiếu quỹ đất tại ngay cả các vùng đã được quy hoạch.

Giám đốc một doanh nghiệp dệt tại TP.HCM thừa nhận, chất lượng bông trong nước còn thiếu ổn định, nên khả năng cạnh tranh còn kém xa so với bông nhập khẩu. Ngành dệt sợi của Việt Nam xem như mất trắng nguồn cung nguyên liệu từ trong nước và phải nhập khẩu gần 100% bông xơ từ nước ngoài.

Vị giám đốc này cũng đặt giả thiết rằng, việc triển khai các dự án trồng bông giai đoạn 2015-2020 nếu đạt mục tiêu đề ra, cả về diện tích và năng suất như dự kiến, thì năm 2020, ngành dệt may chỉ được cung cấp 60.000 tấn bông xơ, trong khi dự báo nhu cầu năm 2020, sẽ lên tới 1 triệu tấn. Như vậy, mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hoá cho ngành dệt may là rất thấp.

Các chuyên gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, điều kiện thổ nhưỡng nước ta không thật sự phù hợp cho cây bông, giống bông cũ và thoái hóa, canh tác chủ yếu phụ thuộc nước mưa, khiến năng suất bông của Việt Nam còn thấp.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, sở dĩ năng suất bông vải đạt thấp và có chiều hướng giảm dần là do diện tích trồng bông trên đất nghèo dinh dưỡng, người dân trồng bông vải chủ yếu là dân nghèo, giá vật tư tăng cao, giá thu mua bông hạt thấp, nên không hấp dẫn nông dân đầu tư thâm canh phát triển cây bông.

Năm 2010, dự kiến nhu cầu sử dụng bông xơ vào khoảng 350.000 tấn. Từ đầu năm, giá bông tăng vọt trên 40% so với cùng kỳ năm 2009, do lo ngại giá bông xơ còn tiếp tục tăng và thiên tai làm ảnh hưởng đến năng suất, nhiều quốc gia đã hạn chế xuất khẩu bông. Giá bông tăng mạnh đã đẩy doanh nghiệp dệt sợi lao đao. Trong khi ngành vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu để gia tăng nguồn cung trong nước, thì chỉ còn trông chờ vào nhập khẩu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị động với sản xuất và khó khăn trong tính toán giá xuất khẩu vì không biết giá bông sau khi ký hợp đồng xuất khẩu sẽ tăng hay giảm.
Số lượt truy cập: 1,263,947
Số người đang online: 1