Dai Ha Thinh Google
Danh mục sản phẩm
09/01/2011
Xuất khẩu hàng may mặc:Bài toán giá trị gia tăng.
Để đạt mục tiêu đã đặt ra đến 2015 đạt 18 tỷ USD kim ngạch XK, trong năm 2011 này, ngành dệt may đang đặt mức tăng trưởng 30% so với năm 2010. Đây là một mục tiêu lớn và đầy tham vọng nhưng không phải không có cơ sở.

  Theo khảo sát của DĐDN, đến giữa tháng 12/2010 hầu hết các DN dệt may đã ký hết hợp đồng cho 2 quý đầu năm 2011, đa số các đơn hàng đều tăng hơn khoảng 10 - 15% so với năm 2010. Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ năm 2011 các DN XK dệt may có được hợp đồng sớm là do tình trạng các nhà đặt hàng chuyển hướng từ Trung Quốc sang VN đang tăng rất mạnh do có sự tin tưởng về chất lượng tay nghề, giá cả phù hợp cho sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế với tiến độ giao hàng đúng hạn của các DN VN.

“Ngập” hợp đồng

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Xuân Dương - Tổng giám đốc Cty cổ phần may Hưng Yên cho biết, đến thời điểm này Cty đã ký hợp đồng các đơn hàng đến hết tháng 9/2011 với tổng giá trị khoảng hơn 20 triệu USD, hầu hết các mặt hàng đều tăng nhẹ khoảng 5 - 15%, Mỹ vẫn là thị trường chính của may Hưng Yên với sản phẩm chủ đạo là áo sơmi. Mối lo lớn nhất hiện nay là lao động. bài toán thiếu lao động có thể vẫn xảy ra như những năm trước trong khi hợp đồng đã ký, nếu không trả lương hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động.

Ông Dương cho biết : “Sở dĩ giá bông nguyên liệu tăng cao nhưng Cty không tăng giá sản phẩm nhiều là do nếu tăng cao các nhà nhập khẩu sẽ chuyển sang đặt tại Indonesia và các nước khác trong khu vực”. Tại nhiều Cty dệt may lớn khác như Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Gia Định, Thành Công, Thắng Lợi, Việt Thắng..., đơn đặt hàng trong năm 2011 đều tăng so với năm 2010 không dưới 15%. "Chúng tôi đã chuẩn bị cho mùa hàng mới. Sau khi nhà đặt hàng duyệt sản phẩm thiết kế mẫu sẽ tổ chức sản xuất ngay" - ông Phan Văn Kiệt - phó tổng giám đốc Tổng Cty may Việt Tiến, nói.

Giám đốc một DN may khác thì nhận định, việc các DN ký được hợp đồng dài hạn là điều tốt. tuy nhiên trong bối cảnh giá nguyên liệu ngày một gia tăng sẽ có những thiệt thòi cho DN nếu thị trường biến động.Vì vậy, "tốt nhất nên ký hợp đồng thỏa thuận dài hạn cho điều khoản "năng lực sản xuất" và chỉ chốt giá cho các hợp đồng theo từng quý chứ không nên ký dài hạn".

Còn nhiều nỗi lo

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt mục tiêu đề ra, giải pháp hàng đầu hiện nay cho ngành dệt may là cải tiến quản lý tổ chức sản xuất để tăng năng xuất lao động nhằm tạo điều kiện hơn nữa để tăng thu nhập cho người lao động.

Lãnh đạo Tập đoàn dệt may cho rằng điểm yếu nhất của dệt may VN là nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu. chẳng hạn như vấn đề thiết kế, marketting, quản trị DN... Bên cạnh đó, “bài toán” nguyên liệu cho ngành may vẫn quá khó cho ngành dệt may. chẳng hạn bông là đầu vào chính của dệt may nhưng các DN đều phải nhập gần như 100%. Các nguyên liệu khác ngành mới sản xuất được một phần trong khi đó nhiều khách hàng lại chỉ định nguồn nguyên liệu nhập.

Kế đó là các thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu chẳng những chưa giảm mà còn tăng. Gần đây DN XK còn phải chịu thêm chi phí tắc hàng tại cảng từ 50 - 100 USD/container, mà thực chất việc tắc hàng là do khâu điều hành kém cỏi của các cảng... Chi phí vận chuyển trong năm cũng tăng trên 30% do ảnh hưởng dây chuyền của giá điện và nhiên liệu... Tình hình lao động, tiền lương vẫn tiếp tục là vấn đề nóng hổi của ngành dệt may và các ngành sử dụng nhiều lao động khác. Chi phí lao động, bao gồm tiền lương và các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp... trong năm tăng thực tế đến khoảng 30% đã làm bài toán hiệu quả kinh doanh càng thêm khó giải...

Với những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế thế giới, tình hình xuất khẩu hàng dệt may VN sẽ tiếp tục khả quan. Vì vậy các DN cần tranh thủ nắm bắt, khai thác những cơ hội, thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Ngoài ra, các DN cần chủ động phân tích và dự báo diễn biến tình hình giá cả thị trường để lựa chọn khách hàng phù hợp, quyết định thời điểm ký hợp đồng và giao hàng nhằm đạt hiệu quả cao. Vấn đề có ý nghĩa quan trọng là ngành dệt may nước ta cần nhanh chóng chuyển dịch sản xuất từ gia công sang làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn), từ làm đơn hàng có giá trị thấp, trung bình sang đơn hàng có giá trị cao để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người lao động. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu về vốn để đầu tư,  trang thiết bị, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư vào các dự án dệt nhuộm, hoàn tất, để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, tạo uy tín và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm dệt may VN trên thị trường.

Quốc Anh

 

Số lượt truy cập: 1,282,492
Số người đang online: 1