Dai Ha Thinh Google
Danh mục sản phẩm
19/01/2011
Kinh tế châu Âu năm 2011 vẫn ảm đạm.
Năm 2010 là một năm đầy khó khăn đối với Liên minh châu Âu (EU), một năm mà khối này bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng nợ công giữa lúc chật vật tìm cách ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Và “cái mớ bòng bong” ấy khiến người ta nghi ngờ về sự phục hồi kinh tế hết sức mong manh của khối 27 quốc gia thành viên này.

Ngay từ đầu năm, hồi chuông báo động đã bắt đầu rung lên tại EU, khi Hy Lạp cho biết khó có khả năng thanh toán các món nợ mà nước này đã vay mượn trên thị trường.

Các nhà đầu tư lo ngại về khả năng trả nợ của Hy Lạp do nền tài chính công nước này hết sức tồi tệ, xấu nhất trong khối 16 nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Sau nhiều tháng tranh cãi gay gắt nội khối, hồi tháng 5/2010, EU đã cùng với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua gói cứu trợ 110 tỷ euro (145 tỷ USD) cho Hy Lạp, sau khi các chi phí vay mượn của nước này đã lên tới mức không thể chấp nhận được.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, EU và IMF còn thành lập một quỹ cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (986 tỷ USD) để giúp các thành viên  Eurozone khác, trong trường hợp các nước đó sa vào “vết xe đổ Hy Lạp”.

Hai nỗ lực đầy tốn kém trên đã thực sự giúp thị trường bình ổn trở lại, song hiệu quả của chúng không kéo dài như mong đợi.

Chỉ nửa năm sau, Ireland trở thành nạn nhân thứ hai của cuộc khủng hoảng nợ và buộc phải xin cứu trợ trong tháng 11.

Năm 2010 sắp hết và cuộc khủng hoảng nợ vẫn chưa hề có dấu hiệu hết theo, với những lời đồn đoán rằng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ là những nạn nhân tiếp theo.

Các chi phí vay mượn của hai thành viên Eurozone ở Nam Âu này đã tăng lên đáng kể khi những lo ngại đang ngày càng gia tăng về hiệu ứng domino của cuộc khủng hoảng nợ Ireland.

Giới phân tích cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong năm 2011, khi các nước Eurozone phải trả nợ nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào, kể từ khi đồng tiền chung châu Âu ra đời năm 1999.

Theo ngân hàng Italia UniCredit, trong năm 2011, các nước Eurozone sẽ phải trả nợ 560 tỷ euro (736 tỷ USD) – một khoản đáo nợ kỷ lục trong lịch sử 11 năm của đồng euro và nhiều hơn tới 45 tỷ euro (59 tỷ USD) so với khoản nợ phải thanh toán của năm 2010.

Trong đó, riêng Bồ Đào Nha – “mắt xích” yếu nhất tiếp theo của Eurozone – sẽ phải trả khoản nợ 20 tỷ euro (26 tỷ USD) vào giữa năm 2011 tới.

Cho đến nay, tốc độ hồi phục kinh tế của EU còn chưa bị cuộc khủng hoảng nợ tác động mạnh, song nguy cơ đối với tăng trưởng đang gia tăng do cuộc khủng hoảng đang dần ngấm vào nền kinh tế thực.

Theo dự báo được đưa ra hồi tháng trước của Ủy ban châu Âu (EC), tăng trưởng kinh tế chung của khối 27 quốc gia EU dự kiến sẽ ở mức 1,8% trong năm 2010, sau khi đã giảm 4,2% trong năm 2009.

Tốc độ hồi phục này thậm chí còn nhanh hơn mọi dự đoán trước đây, nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm.

Chuyên gia về kinh tế châu Âu Xiong Hou của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định:

“Có hai nhân tố cơ bản giúp kinh tế châu Âu hồi phục mạnh trong nửa đầu năm nay.

Đó là nhu cầu về hàng xuất khẩu châu Âu tăng mạnh ở nước ngoài và hiệu quả tích cực của các gói kích thích tài khóa được chính phủ các nước EU đưa ra để đối phó với khủng hoảng kinh tế”.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng đó đã chậm hẳn lại trong nửa cuối năm 2010, chủ yếu do cuộc khủng hoảng nợ, do nhu cầu về hàng hóa châu Âu ở  nước ngoài giảm và tỷ lệ thất nghiệp leo cao kỷ lục.

Do cuộc khủng hoảng nợ bùng phát trở lại, các thị trường tài chính vẫn phải chịu nhiều sức ép, các ngân hàng lại siết chặt tín dụng vì lo ngại có thể thua lỗ trong việc nắm giữ trái phiếu của các nước Eurozone đang chìm trong nợ nần.

Những động thái này sẽ đe dọa tới sự phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực.

Để đối phó với khủng hoảng nợ, các nước EU đã kiên quyết chấm dứt các gói kích thích kinh tế và quay trở lại củng cố tài khóa.

Bằng việc cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế, các chính phủ châu Âu hy vọng sẽ giảm được thâm hụt ngân sách và lấy lại được niềm tin của giới đầu tư.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng  các giải pháp kinh tế khắc khổ này có thể làm chậm lại đà phục hồi kinh tế vốn rất mong manh.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu kém,  tăng trưởng của xuất khẩu EU  (cho đến nay vẫn là động lực chính cho sự hồi phục của khối này) được dự đoán là sẽ chậm lại trong năm 2011.

Bên cạnh đó, với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở các mức cao kỷ lục, chi tiêu cá nhân cũng sẽ tiếp tục suy giảm.

Ủy ban châu Âu dự đoán tăng trưởng kinh tế của EU sẽ giảm xuống mức 1,7% trong năm 2011, đồng thời cảnh báo vẫn còn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng do bất ổn còn cao.

Các nước đang oằn mình trong nợ nần như Hy Lạp và Ireland đã phải trải qua một thời gian dài suy thoái kinh tế và phải mất vài năm, các quốc gia này mới có thể hồi phục.

Đến khi đó, các nước nói trên vẫn tiếp tục khiến cho các thị trường lo ngại.

Nguồn: tamnhin.net

Số lượt truy cập: 1,281,662
Số người đang online: 1