Dai Ha Thinh Google
Danh mục sản phẩm
19/01/2011
Năm 2011: Các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng mạnh.
Khủng hoảng nợ ám ảnh châu Âu. Nguy cơ lạm phát ở châu Á và Mỹ Latinh

Năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tệ hại nhất từ chiến tranh thế giới thứ hai đã đẩy kinh tế thế giới rơi tự do. Năm 2010, tăng trưởng hồi phục. Viễn ảnh kinh tế toàn cầu sụp đổ không xảy ra như dự báo. Sang năm 2011, khuynh hướng tăng trưởng trong năm 2010 sẽ tiếp tục kéo dài nhưng với mức độ chậm lại. Mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo dao động 3,5%-4%.

Đối với các nước phát triển, các nhà kinh tế ở Bank of America Merrill Lynch chẩn đoán sẽ tiếp tục phát triển ì ạch với mức tăng trưởng bình quân 1,8%. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2011 Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,3%, khu vực đồng euro 1,5%, Nhật 2,3%, Canada 2,7%. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ chốt ở mức trên 9%, còn châu Âu là trên dưới 10%.

Theo các chuyên gia kinh tế ở Ngân hàng HSBC, quá trình hồi phục kinh tế ở các nước phát triển trong năm 2011 không đủ để bù đắp cho mức thâm thủng tích tụ trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu. Đúng ra Mỹ phải tăng trưởng hằng năm 7% mới có thể gọi là huề vốn.

Cuộc khủng hoảng nợ sẽ tiếp tục ám ảnh châu Âu trong năm 2011. Sau Hy Lạp và Ireland sẽ đến lượt Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và có thể là Pháp.

Trong bối cảnh nợ công đầm đìa, chính phủ các nước phát triển phải thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, Trung tâm khảo sát bối cảnh kinh tế ở Pháp nhận định chính sách thắt lưng buộc bụng được triển khai quá trễ nên không đủ khả năng kích thích tiêu dùng, từ đó nguy cơ giảm phát sẽ phát sinh trong năm 2011.

Trong khi đó, châu Á sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho kinh tế toàn cầu. Trừ Nhật ra, châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 8,4% ở năm 2011. Đáng chú ý là nhóm các nước BRIC ( Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Riêng đối với Trung Quốc, tăng trưởng có thể đạt 8,5%-10%. Hai nước đáng để mắt tới là Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia. Thành tựu kinh tế của hai nước Hồi giáo này đã minh chứng cho thấy làn sóng hiện đại và Hồi giáo vẫn có thể đi đôi với nhau.

Dù vậy, báo cáo của Ngân hàng Société Générale (Pháp) ghi nhận về nguy cơ xảy ra lạm phát ở những khu vực đạt mức tăng tăng trưởng cao nhất thế giới như châu Á và Mỹ Latinh. Tại châu Á, nguy cơ này sẽ bột phát ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia do giá lương thực và năng lượng gia tăng. Tại Trung Quốc, chỉ số giá cả tiêu dùng đã tăng 4,4% hồi tháng 10-2010, vượt mức chỉ tiêu 3%. Ở khu vực Mỹ Latinh, sức ép lạm phát đang gia tăng ở Brazil và Chile.

Báo Ouest-France (Pháp) dẫn lời cố vấn đặc biệt Dominique Moïsi (Viện Quan hệ quốc tế Pháp) nhận định kinh tế thế giới năm 2011 sẽ thuộc về các nước mới nổi và kinh tế sẽ trở thành thế giới đa cực, trong đó không có cực nào giữ vai trò chủ đạo. Mỹ đang vướng víu trong cuộc chiến Afghanistan, do đó trở nên phân hóa hơn, mỏng manh hơn. Châu Âu đang giữa cao trào khủng hoảng đồng euro. Trong khi các nước phương Tây đang trong giai đoạn dài suy thoái tương đối, các nước mới nổi lại thu hoạch thành công lớn về kinh tế.

HOÀNG DUY

 

Số lượt truy cập: 1,283,395
Số người đang online: 1