Dai Ha Thinh Google
Danh mục sản phẩm
19/01/2011
Dệt may chưa hết áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng
Năm 2011, mặc dù kinh tế toàn cầu có những chuyển biến tích cực, nhưng các doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn đầy ắp lo toan vì sức mua tại một số thị trường chưa hồi phục hẳn, trong khi giá nguyên liệu chính như bông, vải, sợi… được dự báo sẽ tiếp tục tăng và các rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu ngày càng nặng nề hơn.

Tại Hội nghị tổng kết ngành dệt may được tổ chức trong tuần qua tại Hà Nội, ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, giá nguyên liệu tiếp tục xu hướng tăng, biến động lao động, chi phí tiền lương tăng, các rào cản kỹ thuật.. đang là gánh nặng lớn đối với các DN để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 12,5 – 13 tỷ USD trong năm nay.

Sau khi đạt đỉnh kim ngạch mậu dịch 617 tỷ USD vào năm 2008, thị trường dệt may thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2009 – 2010, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Mặc dù nền kinh tế của nhiều nước đã qua khủng hoảng và hồi phục, nhưng nhiều yếu tố bất ổn về kinh tế, tài chính, việc làm vẫn hiện hữu, nên người tiêu dùng vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Đầu năm 2011, vấn đề chênh lệch tỷ giá VND/USD vẫn còn nóng như năm 2010, gây nhiều khó khăn cho các DN trong việc xuất nhập khẩu, đặc biệt là vấn đề nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Theo ông Nguyễn Bá Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế (Hutexco), lãi suất cao khiến DN rất khó huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư.

Việc huy động vốn ngày càng khó đang là rào cản lớn đối với các DN, bởi ngành dệt may đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 11,2 tỷ USD, nhưng nhập khẩu bông, vải, sợi, phụ liệu trên 8 tỷ USD.

Trong khi đó, năm 2011, giá bông được dự báo sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế. Ông Jon Devine, thuộc Tập đoàn Cotton Incoporated (Mỹ) cho biết, tại một số quốc gia sản xuất bông lớn, thu hoạch bông niên vụ tới dự kiến sẽ giảm do người nông dân chuyển qua trồng ngũ cốc.

Ngoài giá nguyên liệu tăng, lao động vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối đối với các DN trong năm 2011, buộc họ phải luôn quan tâm giải quyết, đào tạo bổ sung, điều chỉnh kế hoạch sản xuất…

DN xuất khẩu hàng dệt may còn phải đối mặt với xu thế bảo hộ mậu dịch, áp dụng các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu lớn, như EU, Hoa Kỳ. Sau khi chấm dứt cơ chế giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam trong 2 năm 2007 – 2008, Hoa Kỳ lại tiếp tục đưa ra các rào cản kỹ thuật mới, như Quy định an toàn sản phẩm đối với sản phẩm may mặc nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, việc EU đưa ra quy định kê khai hàm lượng hoá chất trong sản phẩm dệt may nhập khẩu vào EU cũng đang gây thêm nhiều khó khăn cho các DN.

Ông Nghị cho rằng, trong bối cảnh thị trường nguyên liệu diễn biến phức tạp và giá cả khó lường, DN cần có kế hoạch cụ thể về dự trữ nguyên liệu, nhất là đàm phán giá cả chặt chẽ với các nhà nhập khẩu để tránh bị thiệt thòi. Về lao động, thực tế đã có nhiều DN quan tâm giải quyết tốt việc chuyển dịch sản xuất hàng may mặc về các vùng nông thôn hoặc chuyển sang sản xuất các sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao, hay áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, tinh gọn, từ đó xử lý có hiệu quả vấn đề lao động.

Theo Đầu Tư

Số lượt truy cập: 1,283,388
Số người đang online: 1