Dai Ha Thinh Google
Danh mục sản phẩm
25/01/2011
Xây dựng thương hiệu quốc gia.

Khi ngành may có sản phẩm thương hiệu quốc gia, được đông đảo người tiêu dùng thế giới biết đến, chúng ta mới thoát được cảnh gia công và thu lợi nhuận nhiều hơn, cải thiện đời sống người lao động
Sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương đổi mới, kinh tế đất nước đã có những phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm đều ở mức cao ở khu vực và châu Á. Điều này được thể hiện qua của cải vật chất xã hội ngày càng nhiều hơn, công trình xây dựng khang trang, to đẹp hơn, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao hơn...


Làm nhiều, ăn ít
 
Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực kinh tế vẫn chủ yếu là khai thác bán nguyên liệu thô và gia công. Điều này làm cho hàm lượng nội địa trong các sản phẩm kinh tế rất thấp và phụ thuộc vào nước ngoài. Ví dụ ngành dệt may, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hơn 11 tỉ USD, đứng đầu trong các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, thế nhưng giá trị thực thu được từ số tiền rất lớn trên là bao nhiêu? Một chiếc áo sơ mi khi được bán ở Mỹ hay châu Âu có giá vài chục đến cả trăm USD nhưng giá gia công tại VN chỉ có 1 USD đến 1,5 USD, gồm cả chi phí nhân công, chi phí quản lý và cả tiền lãi; còn các nguyên - phụ liệu từ vải, chỉ, nút, nhãn mác... chúng ta đều phải nhập khẩu. Trên thị trường quốc tế, chưa có một thương hiệu áo sơ mi hay một quần tây nào mà khi nhắc đến người ta biết đó là sản phẩm của VN, trong khi thực tế nhiều sản phẩm may mặc nổi tiếng trên thế giới đều có bàn tay của người thợ VN tạo nên. Nói cách khác, ngành may của chúng ta đang “làm nhiều, ăn ít”.
 
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do chúng ta chưa có chiến lược xây dựng sản phẩm thương hiệu quốc gia được thị trường quốc tế chấp nhận. Điều này có thể thấy ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ sản xuất công nghiệp đến kinh doanh, dịch vụ, thương mại. Do không có thương hiệu nên chúng ta phải gia công, làm thuê. Đã làm thuê thì phải phụ thuộc và giá trị gia tăng thấp, dẫn đến tiền lương, tiền công của người lao động thấp. Tiền lương, tiền công thấp là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều cuộc tranh chấp lao động, đình công, ảnh hưởng đến trật tự, an sinh xã hội.
 
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, rất cần các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.


Trong những năm tới, dệt may vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực mang lại nguồn ngoại tệ lớn. Mục tiêu Hiệp hội Dệt may VN đặt ra cho toàn ngành là phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu phải đạt 20 tỉ USD với tỉ lệ nội địa hóa 60%, giải quyết việc làm cho 2,5 triệu lao động. Đây là mục tiêu rất lớn, vừa giải quyết được vấn đề lao động vừa mang lại lợi nhuận. Để đạt mục tiêu trên, chúng ta cần có chiến lược xây dựng được sản phẩm mang thương hiệu quốc gia trong ngành may.

Trước hết, cần quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ. Song song đó là chủ trương đầu tư đào tạo đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, thành lập những công ty có khả năng thiết kế mẫu mã phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng thế giới. Vấn đề quan trọng nữa là phải có chiến lược quảng bá sản phẩm thương hiệu mang tầm quốc gia. Như vậy, từng bước chúng ta sẽ thoát khỏi cảnh gia công, chủ động sản xuất, thu lợi nhuận nhiều hơn, cải thiện đời sống người lao động.

(Theo Người lao động online)
Số lượt truy cập: 1,283,345
Số người đang online: 1